Thứ Sáu, 22 tháng 10, 2010

Vắng đi một ý thức

Kỷ niệm 20 năm ngày mất của họa sĩ Bùi Xuân Phái,gia đình họa sĩ(Bùi Thanh Phương) cùng 2 nhà sưu tập Trần Hậu Tuấn và Bùi Quốc Chí tổ chức cuộc triển lãm mang tên Bùi Xuân Phái-Con Đường Hội Họa tại 87 Thuốc Bắc.Nhân dịp này ra mắt giải thưởng Bùi Xuân Phái và giới thiệu cuốn sách mới về danh họa do Bùi Thanh Phương và Trần Hậu Tuấn biên soạn.
Sau đây Phương giới thiệu bài viết của Thái Bá Vân cách đây đã 20 năm.Theo ông Vân cho biết thì bản thảo đầu tiên của bài này ông viết trong đêm trước ngày làm lễ tiễn đưa họa sĩ sang một thế giới khác. Thái Bá Vân đã thức trắng cả đêm để chuẩn bị bài điếu khóc bạn ,nhưng rất tiếc trên đường đi,không may đã làm rơi mất ở dọc đường.Đêm hôm đó ,ông Vân viết lại bản khác và ngày hôm sau ,trong nước mắt,ông Vân đã đọc bài này trước bàn thờ Bùi Xuân Phái.Thái Bá Vân ngoài đời có hình dong rất artist, và cũng hao hao giống Bùi Xuân Phái. Ông Thái Bá Vân cũng đã đi sang thế giới khác sau bạn mình vài năm.

Nói theo nghĩa nào đó, Hà Nội lên đến 2 triệu người. Mà nói theo nghĩa nào đó, Hà Nội bao giờ cũng chỉ có dăm ba người, chia nhau trong từng tình yêu và thế kỷ.

Làm sao nói được giản đơn rằng đứng trong số 2 triệu người kia, hay đứng trong số dăm ba người này, là hơn hay là thiệt, là rủi hay là may, là sướng hay khổ.

Bùi Xuân Phái ở đâu? Điều đó không quan trọng mấy. Quan trọng và công bằng hơn, an tâm hơn là không ai tự chọn được cho mình thân phận cả. Chỉ biết con cá nhỏ mấy cũng thích tụ về bơi lội giữa những dòng sông lớn, không con nào ưa nước đọng, ao tù.

Hà Nội là một dòng sông lớn và Bùi Xuân Phái là một ý thức trẻ trung.

Nghệ thuật và danh nhân phải có cái hạnh phúc được đầu thai, rồi nuôi cấy và dập vùi, ở những trung tâm và thời đại to tát. Anh Phái bé bỏng thôi. Nhưng là một bé bỏng riêng biệt, không thể nào thay thế. Cuộc rong chơi can đảm, lầm lì của người đó bằng cây bút vẽ và bằng bảng màu của mình là đẹp và có ý nghĩa cho Hà Nội. Cho chúng ta mãi mãi. Làm chứng cứ lịch sử cho một nền hội họa đi nữa,sao bằng làm chứng cứ nhân văn cho một ý thức nghệ thuật.

Ở đám tang Bùi Xuân Phái, tôi rất để ý một vòng hoa lớn, chưa từng thấy ở những cuộc chia tay long trọng khác. Vòng hoa ấy ký tên: “Những người yêu nghệ thuật”. Anh Phái thật là sang, Hà Nội thật là sang.

Anh Phái mắc bệnh vẽ. Ngồi đâu vẽ đấy, bạ gì vẽ nấy. Nhìn theo mà vẽ, thuộc lòng mà vẽ. Vẽ thực, vẽ bịa, vẽ cho đến chết. Mảnh giấy cuối cùng không để lại của anh (anh đã vò xé đi) là hình vẽ mấy người bệnh nằm chung phòng ở nhà thương. Sự vẽ của anh chỉ có thể gọi bằng câu nói của chính anh, với tôi một lần, là “Vẽ để mà không vẽ” là đúng hơn cả.

Thế mà Hà Nội – Phố của anh đôi khi lớn, nặng, lâu bền, vượt ra ngoài cuộc đời tác giả. Chúng là giọt máu của cả nền văn hiến Thăng Long mà trong đó anh là một sắc mặt thì đúng hơn. Từ khi có Bùi Xuân Phái, tôi chưa thấy ai vẽ Hà Nội mà không vương vào anh. Con tính hội họa của anh đã đến một mẫu số chung nhỏ nhất rồi.

Làm sao ta biết được một con người, nói chi là nghệ sĩ. Trong nhiều năm được làm bạn với anh, cái may mắn của riêng tôi là đã biết quý mến và chăm chú vào những bâng quơ ngắn ngủi, vào những chi tiết rất nhỏ trong một ngày thường của anh. Tôi tiếc gì những định nghĩa lớn lao mà thật ra tìm đâu cũng thấy. Tôi phải biết ơn anh, những người như anh đã thức tỉnh ở tôi một thức tỉnh dai dẳng, nhẹ nhàng khó tả về nghệ thuật, như cái thế giới buồn buồn đậm đặc trong từng nét vẽ của anh.

Bùi Xuân Phái đã vẽ những bức tranh ngon lành, đẹp đẽ tưởng như trực giác hội họa là nằm ngay trong trí tuệ phát minh. Cái bản năng sinh sản cụ thể ở anh đã nằm ngay trong trí tưởng tượng hồn nhiên, một cuộc hôn nhân chỉ có ở những tài năng lớn.

Bức sơn dầu cuối cùng của anh vẽ một ngày tháng 4 năm 1998 đang treo ở bàn thờ anh, là Ngõ Huyện. Ta thấy ngay căn nhà lặng lẽ là nóc Nhà thờ Hà Nội. Hai bức tranh cuối cùng anh cho tôi, giữa tháng 6 năm 1998, là hai cái khoả thân bé bỏng trong lòng bàn tay, một vẽ trên vỏ thuốc lá Gauloises của Pháp và một trên vỏ Gallant của Ấn Độ.

Nhìn vào đời người, hình như có những năm tháng là bó buộc quá cho sự vẽ của Bùi Xuân Phái. Nhưng nhìn vào tác phẩm, Phái là hoàn toàn tự do trong cử chỉ sáng tạo. Anh đã vẽ nhiều bức tranh ngay trước mắt tôi, lơ đãng, hồn nhiên như đứa trẻ nghịch cát. Những khi đó, tôi cứ nghĩ tác phẩm kia nó tự xuất phát trong anh chứ không có can thiệp của một sự đẻ ra nào bởi anh cả. Nghĩ về một tác phẩm ra đời, cũng như đứa con, tôi còn thấy sự có thể ở lại là nằm trong một trái ngược. Là niềm vui hay nỗi khổ. Nó bay đi như tự do hay nó đọng lại như định mệnh cũng là.

Người nghệ sĩ nào cũng chỉ như chiếc sợi phiêu bồng, cố luồn cho lọt vào tấm vải nghệ thuật chung đã chật cứng dọc ngang. Cái nhu cầu phải vào được giữa hài hoà và trật tự chung đó lại chưa dẫn ai thẳng tới kết quả bao giờ. Bởi các ngõ lối đều như ma chơi, khi ẩn, khi hiện, khi chặn đứng mọi nẻo ra vào. Thế cho nên, người có nhân cách tử tế và chân thành (như con nít) và giờ cũng có cái mặc cảm lầm đường hay tha hoá.

Mảnh nhật ký của Bùi Xuân Phái có ghi một câu của nhà điêu khắc hiện đại, Brancusi, bằng tiếng Pháp: “Quand nous ne sommes plus enfants, nous sommes dèjà morts” (Khi chúng ta không còn là trẻ con nữa, thì chúng ta đã chết rồi). Lại ở một mảnh khác có hình, anh vẽ chân dung họa sĩ Cézanne và ghi một câu của ông này, cũng bằng tiếng Pháp: “Le monde ne me comprend pas. Et moi, Je ne comprends pas le monde. C’est pourquoi je me suis retiré” (Đời không hiểu ta và ta không hiểu đời. Vậy cho nên, ta xin thu mình lại).

Từng thế kỷ có định mệnh của nó. Tôi nghiệm một điều, nhiều lần thấy trong lịch sử nghệ thuật, là cứ vào cuối thế kỷ, lại xảy ra những cuộc chia tay lớn.
Đừng hiểu là buồn, cũng đừng hiểu là vui.

Với nhiều cuộc ra đi khác trong vài năm nay, tôi có cái linh cảm đang đứng trước sự kết thúc của một vòng quay tất yếu.
Thái Bá Vân
nguồn Blog Bùi Thanh Phương

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét